Bạn có xu hướng là kiểu người nào?
"Tôi là ai? Tôi là người thế nào?" Những câu hỏi tương tự như vậy hẳn có ít nhất một lần chúng ta từng tự hỏi mình, nếu không phải là khá thường xuyên. Ai cũng muốn khám phá bản thân, khám phá sứ mệnh cuộc đời mình, tò mò về quá khứ và háo hức với tương lai... Và cũng không ít lần chúng ta thầm hỏi: "Tại sao? Vì lẽ gì mà mình đã hành động như thế?". Những câu trả lời thường bị bỏ ngỏ nửa chừng hoặc không thực sự có câu trả lời rốt ráo. Và thế là lần sau, lần sau nữa, ta lại gặp chuyện tương tự. Bạn có thấy một kiểu chuyện hay lặp lại trong đời mình không? Vì sao?
Lão Tử có câu: "Hiểu người là khôn ngoan. Hiểu mình là cực kỳ khôn ngoan."
Như vậy thì hiểu mình khó hơn hiểu người đấy chứ. Mà đã hiểu mình thì sẽ hiểu người. Vậy thì thay vì tìm hiểu thế giới và con người xung quanh, khôn ngoan hơn là quay về hiểu chính mình đã, phải vậy không?
Ta là ai? Rumi, một vị thầy Sufi, đã nói: "hãy trần trụi mà đến...", ông mời gọi chúng ta trút bỏ hết các ý tưởng, định kiến, thói quen của tâm trí và thân thể. Chúng ta chỉ có thể trút bỏ những gì không phải là ta. Vì vậy, để biết ta là ai, chúng ta phải biết ai chúng ta không phải là trước.
Nói một cách tổng thể thì mỗi người đều có đủ tất cả các kiểu tính cách trên đời, dù chúng có được phân ra bao nhiêu loại đi chăng nữa. Tuy nhiên mỗi người sẽ có một vài xu hướng nổi trội hơn những tính cách khác. Điều này là do nghiệp lực, nhân duyên của các đời trước hay do hoàn cảnh sống, được nuôi dạy mà có - không quan trọng. Quan trọng là hiện tại bạn biết bạn đang có xu hướng cảm xúc, hành xử và niềm tin gì về bản thân. Rất nhiều lúc và nhiều người đang sống theo những gì được dạy bảo, chứ không thực sự phù hợp với mong muốn sâu thẳm bên trong mình. Vì thế câu "Được là chính mình" rất nhiều người thích, bởi nó đánh thức cái khát khao sâu thẳm thoát khỏi những khuôn mẫu, làm điều trái tim mình hát...
Khi tôi ngồi với một người và cùng họ khám phá họ có xu hướng tính cách nào, chỉ ra cho họ bằng chứng là những hành động họ thường làm trong cuộc sống, họ đồng ý rất nhanh vì nhận ra chính mình. "Đúng! Em hay làm như vậy". Khi khám phá ra mình đang có những tính cách nào, thói quen hành xử nào nhiều nhất, chúng đến từ những mong muốn và những nỗi sợ nào thì mỗi người lại thấy nhẹ nhõm hơn, hiểu mình hơn, chấp nhận mình hơn. Những câu hỏi ngầm thắc mắc về chính mình từ lâu giờ được hiểu và chấp nhận.
Một chàng trai trẻ sau khi hiểu bản thân, nhận ra việc cậu hay ngại tiếp xúc với người khác, ngại từ chối đến từ nhầm lẫn cho mình là tầm thường, sợ mất yên ổn... hôm sau đã đến kể với tôi rằng cậu đã chủ động tiếp xúc, trò chuyện với mọi người ra sao, và cậu bắt đầu thực hành trân trọng chữ "không" với sự tự tin đến từ hiểu mình.
Hai bà mẹ sau khi hiểu con mình có xu hướng gì, thay vì cố gắng động viên con là không cần trở nên đặc biệt, con bình thường... thì nói với con rằng: giá trị của con không bao giờ bị suy xuyển bởi sự đánh giá khen chê, công nhận hay không của người khác. Con hãy làm điều trái tim con hát, thay vì làm để được người khác công nhận và coi đó là điều chứng minh cho giá trị của con. "Mẹ yêu con! Dù con làm gì, như thế nào, mẹ vẫn luôn yêu con." Đó là điều ai cũng cần nghe, nhưng đứa trẻ có xu hướng này cần đặc biệt nghe điều đó. Tôi nhìn thấy sự ngỡ ngàng vui, ánh mắt cảm động của những người mẹ khi nhắc đến lời yêu con mới mẻ, nhìn thấy sự tự tin hơn của đứa con. Đó là niềm vui.
Bản chất của các con đường tâm linh thực sự là hướng người ta tìm về với Sự thật, với Bản tính tự nhiên, với Hạnh phúc chân thật, Tình yêu đích thực, với Chúa, Phật…. có nhiều tên gọi, mọi con đường đều đưa ta trở về NHÀ. Khi đã hiểu mình, thì ắt sẽ có cách hành động, ứng xử phù hợp với mình, với những khát khao bên trong, hay đối diện với những nỗi sợ đến từ nhầm lẫn.
Chia ra các kiểu xu hướng tính cách ( enneagram) hay 5 tiềm năng trong mỗi người (Ngũ bộ Phật) đều là công cụ mà các con đường tâm linh dùng để giúp người ta hiểu về bản thân, để rồi tự giải phóng, chứ không phải để tiếp tục bị trói buộc vào những nhầm lẫn như niềm tin về một cái tôi (bản ngã), hay sự cố định bất biến về tính cách của một người. Bạn không phải là một người với một kiểu tính cách cố định không bao giờ thay đổi, bạn có thể có những xu hướng nghiệp lực và thói quen, dựa trên nhầm lẫn, nhưng chúng không phải là bạn. Đó là điều đầu tiên và cần luôn nhớ suốt quá trình tìm hiểu.
Bạn có thể khám phá chính mình để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với chính mình. Bạn có thể hiểu người khác một cách khách quan, chứ không phải nhìn từ góc nhìn của riêng bạn. Đừng dùng nó như một công cụ để cho cái tôi to lên, kiểm soát thế giới và kiểm soát chính mình để rồi mắc kẹt. Hãy dùng nó như một phương pháp giảm bớt ngã chấp, chấp nhận chính mình như mình là, như quy luật tự nhiên của vũ trụ, hướng tới trạng thái tự do và giải thoát. Công cụ nào cũng tốt nếu nó giúp ích cho bạn, nó là gì không quan trọng bằng việc bạn dùng nó với động cơ gì.
Vậy bạn có xu hướng tính cách nào? Bạn có muốn tìm hiểu không?