Có được sự tin cậy của con bằng cách nào?
Hôm nay ở trường có chuyện gì không? Kể cho mẹ nghe!
Con trông có vẻ hơi lo lắng, con có muốn kể gì cho mẹ không?
Vì sao chuyện như vậy mà con không nói gì với bố mẹ ngay, để bây giờ xảy ra hậu quả...
Tôi vẫn nhớ một lần có vụ hai bạn tuổi teen đi bơi ở hồ Tây và chết đuối khi cứu nhau. Chị bạn tôi có cậu con trai cũng tuổi teen đau lòng trách: sao mấy đứa không biết hô lên kêu cứu cơ chứ! Cậu con trai chị bảo: mẹ biết không, nhiều khi tụi con không muốn cho người lớn biết, bởi vì tụi con sợ những phiền phức sau đó.
Câu chuyện chỉ thế thôi nhưng nó đọng lại trong tôi rất lâu với câu hỏi: Làm thế nào để con trẻ có thể kể cho mình nghe, để mình có thể giúp chúng kịp thời, thay vì chúng tự xoay xở với những nhận thức còn non nớt và ít kinh nghiệm sống?
Chuyện nhỏ thì không nói, nhưng còn những chuyện to, nguy hiểm. Rồi những tổn thương nhỏ, nếu có bố mẹ giúp, thì con đã không phải chịu vô số lần và thành những vết thương dài lâu.
Con gái tôi đến tận năm 22 tuổi mới kể câu chuyện nó nhân một buổi đi chơi với bác gái, bác cho nó đánh móng tay, sấy tóc rồi về đi học thêm luôn, vừa đến cửa thì bị ông thầy giáo già mắng té tát "Học không lo học, đua đòi...". Con tôi nói nó chỉ biết đứng chịu trận. Tôi nghe xong rất bất bình: sao con không kể cho mẹ? Mẹ chắc chắn sẽ bảo vệ con.
Con gái tôi trả lời với âm sắc vẫn mang nỗi đau: Nhưng mà lúc đó con nghĩ rằng CON SAI!
Tôi cảm nhận nỗi đau của những tổn thương ấy. Giá mà tôi biết, thì tôi đã bảo vệ được con mình nhiều lần. Người thầy giáo già cũng không có lỗi, ông chỉ là sống với quan điểm truyền thống của mình. Nhưng con tôi cũng không đáng phải nghĩ rằng nó sai, tệ chỉ vì sơn móng tay và sấy tóc một ngày đi chơi như vậy.
Bạn có bao giờ tự hỏi lại mình đã có bao nhiêu những vết thương tương tự như vậy với người lớn, mà chúng ta gọi là những lời chê, mắng, phê bình... Hồi bé chúng ta có nhận được những lời động viên, khuyến khích, thái độ lắng nghe của người lớn, cha mẹ, thầy cô nhiều hay không? Thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta ít khen nhiều chê lắm. Thói quen không lắng nghe, chủ yếu ra lệnh, yêu cầu vẫn tiếp tục cho đến những năm gần đây. Đó là lịch sử của các thế hệ. Nhưng đã đến lúc thế hệ chúng ta cần thay đổi mạnh mẽ, nhất là với những đứa trẻ nhiều cảm xúc vì sinh ra vào thời đại của những năm có nhiều con số 2.
Làm thế nào để con bạn sẵn sàng kể cho bạn những gì diễn ra ở trường, lớp và quan hệ bạn bè của nó?
Làm thế nào để con bạn tin rằng mỗi lời bạn khuyên đều vì lợi ích của nó. Làm thế nào để mỗi khi có khó khăn không tự mình giải quyết được nó sẽ đến tìm bạn. Làm cách nào?
Hãy học cách LẮNG NGHE con bằng TÌNH YÊU và TRÍ TUỆ.
Giống như một con chim cần có đủ 2 cánh để bay, Tình yêu và Trí tuệ cần song hành trong hành trình cùng con. Tình yêu thì rất dễ bởi bạn có sẵn, đầy ăm ắp cho con rồi. Còn Trí tuệ - Nhận thức đúng đắn thì là chiếc cánh kia, để bạn bay và giúp con mình bay vững vàng ngay cả giữa phong ba.
Hãy tham gia cộng đồng cùng làm cha mẹ để chia sẻ cách nuôi dạy con lớn lên với sự tin cậy vững vàng vào tình yêu của cha mẹ.