Bụt chùa nhà vẫn thiêng như thường
Ngày bé, các con mình là những đứa trẻ ngoan, tự giác học và chủ động, tự lập, ai cũng khen tấm tắc. Thế rồi cả hai đứa sang Mỹ học. Cuộc sống tự lập khiến chúng trưởng thành lên nhiều, nhưng cũng khiến mối quan hệ cách xa hơn. Lúc đầu mình thấy cũng bình thường, miễn chúng nó ổn, khỏe, vui là được.
Nhưng khi nghe con mình kể về những vướng mắc, căng thẳng của nó, nghe lối sống của nó thì vì đã từng trải qua những năm tháng sinh viên, mình biết cần giúp nó thay đổi. Nhưng mình lại không thể nào tiếp cận được để giúp con như mình muốn. Nó chỉ chat hoặc gọi những lúc nó cần. Và nó sẵn lòng trả tiền đi trị liệu, một việc rất phổ biến ở Mỹ và tốn khá nhiều tiền, chứ không nghe lời khuyên của mẹ, dù nó biết mình làm công việc tư vấn cho người khác. Lúc đầu mình tự bảo mình: Bụt chùa nhà không thiêng. Con gái cũng bảo: mom giúp người khác chứ không giúp được con. Mình đành đồng ý với nó dù rất hiểu và thấy rõ thực tế là trị liệu ở Mỹ không giải quyết rốt ráo vấn đề cho hầu hết mọi người, mà chỉ giúp họ giảm nhẹ, hoặc rồi may mắn thì hoàn cảnh họ tự thay đổi.
Tuy vậy, mình không bỏ cuộc thực sự, mà vẫn lắng nghe con khi nào nó muốn nói. Điều đó cũng khiến con gái dần tìm đến mình với một số vấn đề. Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện qua mạng chỉ giúp giải tỏa phần nào. Mình bèn quyết định: muốn giúp con thì phải ở bên cạnh nó. Vài ngày không đủ, phải là một tháng mới có thời gian để làm gì đó. Thế là mình chuẩn bị cho hành trình. Con gái mình cũng rất háo hức vì đã lâu không về nhà từ khi Covid. Nó vốn thích lên kế hoạch nên say sưa vẽ ra và chuấn bị cho đợt đi nghỉ Giáng sinh, Năm mới của mấy mẹ con.
Thế rồi ngày đi cũng đến. Vượt qua mấy chục nghìn dặm bay và gần 1 ngày, cuối cùng mình đã đặt chân lên đất Mỹ. Mẹ con gặp nhau vui mừng. Mình lăn ra ngủ sau một hành trình dài. Con gái đi làm nốt để cuối tuần bắt đầu nghỉ lễ. Một hai hôm sau, mình bắt đầu nhận ra mọi thứ không như dự định. Con gái chẳng muốn đi chơi, đi dạo như mình đã dự tính giúp nó. Hai mẹ con ở cùng một căn phòng. Ngày con đi làm, mình đi dạo chơi. Ngày nghỉ nó lăn ra ngủ, mình đi dạo chơi. Nhưng đó chưa phải là cái lớn nhất mình phải chấp nhận. Làm cha mẹ, mình có thói quen là thấy con có gì đó không ổn là muốn chỉnh: con nên đi dạo cho khỏe người, con nên ăn healthy hơn… đủ thứ “con nên” mà mình muốn nó làm theo. Nhưng mình càng muốn, thì nó càng làm theo ý nó. Chắc hẳn vấn đề này không phải chỉ ở riêng nhà mình ?
Cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc ở Mỹ thực ra là rất áp lực và dễ gây căng thẳng. Như một người bạn mình đã từng sống ở Mỹ nói tỷ lệ bị trầm cảm ở Mỹ rất cao. Trong công việc, mình có cơ hội tiếp xúc với một số người trầm cảm. Bản thân mình cũng đã từng rơi vào một vài cơn trầm cảm ngắn. Dù rất ngắn nhưng cũng đủ thấy thật đáng sợ và cảm giác thương những người trầm cảm vô cùng. Sau khi tự trải nghiệm, mình càng tha thiết muốn giúp và mong ai bị có thể thoát ra được nỗi khổ đó.
Dù ở nhà có nghe con kể về cuộc sống và sự căng thẳng của nó, nhưng chỉ 4 ngày sau khi đến Mỹ, mình đã có cơ hội chứng kiến một cơn căng thẳng của con. Chỉ đơn giản là việc đặt chỗ ở và về ngày nào cho khớp lịch của mỗi người, khi mình hỏi một câu trái ý, nó mất bình tĩnh ngay lập tức, không hề đáng gì so với câu chuyện. Tuy nhiên, với kinh nghiệm sống của mình thì chuyện đó là nhỏ, còn với con trẻ và những vấn đề bên trong nó thì đó có thể là chuyện lớn, nên mình giúp con bình tĩnh lại lúc đó trước đã.
Nhưng khi mọi thứ tạm lắng xuống, thì trong mình trào lên nỗi đau của người mẹ. Những ai làm mẹ chỉ cần nghe vậy là hiểu, cái cảm giác đau đớn chứng kiến con mình khổ. Chỉ một việc nhỏ thế thôi nó đã khổ thế, còn bao nhiêu khó khăn khác nó đã kể, hẳn là nó đã rất rất khổ với trạng thái tinh thần dễ mất bình tĩnh như thế. Và cuộc sống sẽ còn bao nhiêu chuyện khác bất như ý sẽ đến nữa, cả nhỏ lẫn to, thì sẽ thế nào? Và đêm đó, mình đi đến một quyết định dứt khoát, mình biết chỉ có cách đó mới có thể giúp được con mình. Quyết định đó đến từ nhận thức mình đã có được nhờ học, và đã thực hành với những điều nho nhỏ, nhưng chuyện to như với con cái thì chưa nhiều.
Giữa lý thuyết với thực hành luôn là một khoảng cách. Vốn biết lý thuyết này từ lâu, cũng thực hành nhiều nhưng lẻ tẻ, nhưng lần này khi trong mình dấy lên quyết định dứt khoát, thì nó mới thực sự trở thành thử thách của mình với chính mình.
Thực sự mình biết ơn cái bản năng làm mẹ trời ban, cái tình yêu tự nó sinh ra khi mình có một đứa con, và những điều đúng đắn mình học được từ những người thầy và từ cuộc sống khiến cho thử thách dẫu là thử thách nhưng có lòng quyết tâm vững chắc vì con khiến nó trở nên có thể làm được. Những ngày tiếp theo, mình và con đi nghỉ, vì đã chọn nên mình cứ sống theo lối đó, có những lúc mình không hài lòng, có những lúc gây tranh luận, bất đồng… lần này với không chỉ một mà hai đứa con. Mỗi đứa ở một nơi trên đất Mỹ, chúng mình hẹn nhau ở một điểm để cùng nhau một thời gian sau mấy năm Covid không gặp.
Mình không thể nói là những ngày êm ả, nhưng sóng gió đến khi bạn biết, bạn sẵn sàng đón nhận nó, thì sóng gió chỉ còn là thử thách để vượt qua, để trải nghiệm, để vui. Giống như bạn đi chơi thuyền và lướt sóng trên biển vậy. Với hai đứa con đã bắt đầu lớn, sống tự lập xa nhà, thì vai trò cha mẹ chỉ còn lại rất ít. Nhưng mình phát hiện ra thứ khiến chúng mình xa cách nhau là vô vàn những định kiến, thói quen của cha mẹ, những tổn thương của con trẻ từ bé… Bây giờ khi chúng có một phần tự do trong tay, có cuộc sống độc lập với cha mẹ, thì những phản ứng đó có cơ hội được bộc lộ ra. Thế là mình có cùng một lúc hai thử thách trong kỳ nghỉ với hai con tại Mỹ.
Trong chuyện chọn ngành nghề, khi ba nó tỏ quan điểm không đồng ý, con trai mình đã có một cuộc chiến tranh lạnh xuyên lục địa với ba nó. Những cái ba nó cân nhắc, mình thấy rất là vừa phải và hiểu biết chứ không phải áp đặt. Nhưng con mình thì nó không nghe luôn từ đầu, và ba nó cũng bức xúc. Là nhân viên mà không nghe thì mình có thể cho nghỉ việc, con mình không nghe, mình chẳng làm gì được nó cả:D
Vấn đề ở chỗ là bất đồng không nằm ở nội dung chọn ngành nghề, mà cả hai bên đều cứng, nên mình đành vào vai hòa giải. Cuộc chiến này và vai hòa giải này khiến mình nhận ra khá nhiều điều trong việc cha mẹ có thể làm gì để giúp con mình hạnh phúc, giúp tình cảm gia đình được bền chặt. Thế nên thực sự đó lại là một may mắn, bởi cuối cùng thì hai bên chiến tuyến đã lại bình yên và thấu hiểu nhau hơn.
Ngày chia tay, con gái bay về Boston, mình thấy con vui vẻ hơn rất nhiều, và hành trình về của nó cũng trở nên nhẹ nhàng đơn giản. Những đoạn chat kể chuyện sau đó cho thấy con vững vàng và sáng suốt, bình tĩnh hơn. Cả hai đứa đều nói với mẹ: Love you, be safe. Câu Love you mấy mẹ con thường xuyên nói với nhau, nhưng lần này mình thấy sự thay đổi lớn trong mối quan hệ, trong cách mình nhìn nhận những đứa con mình, và mình tin là chúng cũng thay đổi nhiều trong cách nhìn nhận tình yêu của cha mẹ chúng.
Gần đây, khi nghe một người bạn kể về việc thất bại trong dạy con, và cách nó phản ứng với mọi điều mẹ nó muốn… Các bạn mình đưa ra những lời khuyên trong đó nên cho con đi những khóa học để giúp các con. Điều đó là rất cần thiết, vì những người có chuyên môn và có kỹ năng làm việc với trẻ con sẽ giúp chúng được nhiều hơn. Cha mẹ có quá nhiều định kiến và thói quen, khó để con mở lòng hơn.
Mình có quan điểm không giao con toàn bộ cho xã hội hay ai đó. Mình có nói với một người bạn rằng: khi mà xã hội bên ngoài đầy rẫy những cạm bẫy, những đổi chác… thì người có thể chân thành nhất với con mình, người khiến con tin tưởng nhất có thể là ai khác ngoài mình đây? Tối thiểu là mình đã có sẵn tình yêu chân thành với con, và nó luôn cảm nhận được điều đấy. Nên dù có giận, nó vẫn yêu cha mẹ, đúng không nào?
Nhưng dù mình có chân thành đến mấy, mà con mình nó không muốn nghe, thì bao nhiêu hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm mình tích lũy và muốn cho con cũng trở thành vô nghĩa.
Vậy làm thế nào để con có thể sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm của mình đem cho nó miễn phí một cách trân trọng và hữu ích? Làm thế nào để mỗi lúc khó khăn, nó đều biết luôn có một nơi để nó quay trở về, dù thành công hay thất bại?
Cái câu: Bụt chùa nhà không thiêng, sau chuyến đi Mỹ mình không còn tin nữa. Bụt chùa nhà vẫn thiêng như thường, nếu mình biết cách. Ngoài việc cho con đi học những khóa học, nhờ những người ngoài giúp con. Bụt nhà có thể làm những điều mà người ngoài không bao giờ làm nổi, vô cùng quý giá và hữu ích cho con mình.
Mình quyết định chia sẻ câu chuyện này dù nó có chút riêng tư, vì thế xin lưu ý rằng một số chi tiết sẽ không phản ánh đúng thực sự từ góc nhìn của các con mình và ba chúng, mà chỉ là góc nhìn của mình. Tuy nhiên, kết quả mối quan hệ và tâm trạng mọi người trở nên bình an, vui vẻ hơn là có thật.
Sau câu chuyện này, mình quyết định sẽ chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm làm cha mẹ của mình, những gì mình đã trải qua, đã học được, những vấp váp, những vướng mắc của các con và cách để cha mẹ và con gần nhau hơn. Cách thức có thể là những buổi nói chuyện nhỏ, ít người tại VP Khai Tâm hoặc một quán café xinh xắn, uống trà và nói chuyện. Mong là những buổi trò chuyện này sẽ sớm được thành hình.
Bước sang năm mớ 2023, xin chúc tất cả những ông bố, bà mẹ, và những đứa con luôn cảm thấy được yêu thương, và biết ơn, yêu thương những người thân của mình. Chúc mỗi gia đình đều Hạnh phúc và Bình an!
KT.