Raising children with love - Dạy con lớn lên bằng Tình yêu
Con bạn có thể thành công, nhưng liệu nó có hạnh phúc nếu cả cuộc đời nó không dám chắc rằng bố mẹ nó luôn yêu nó?
Con bạn có thể thành công, nhưng liệu sự thành công đấy có mang lại hạnh phúc cho người khác, khi nó không được dậy để biết cách yêu thương?
Đây là tự sự của chồng tôi, khoảng năm 2003 (lúc con gái tôi 5-6 tuổi và con trai 2-3 tuổi) sau một sự kiện về một nghệ sĩ trong mối quan hệ với cha của mình rộ lên trên báo chí, anh viết xuống những dòng này. Chính tôi cũng bất ngờ về góc nhìn của anh với tôi và hai đứa con, con gái Bông và con trai thứ Bim. Một chút ngọt ngào, một chút suy ngẫm, và những tình tiết nho nhỏ giữa chúng tôi với các con, những kỷ niệm đẹp tuyệt vời.
Cảm ơn anh vì bài viết cuộc đời này.
-----------
THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT
Lần gợn đầu tiên xảy ra cách đây khoảng 4-5 năm, khi mà Bông đòi ăn kem. Mình gật, nhưng Bông chần chừ, rồi quay sang hỏi mẹ xem có được ăn không. Mẹ nó trả lời không được, con đang viêm họng, Bông vui vẻ thôi không đòi nữa. Cảm giác bực mình vì con nghe mẹ mà không nghe ba. Mẹ nó cũng nhận thấy cười cười nói “không phải là nó không tôn trọng anh đâu, mà vì nó tin cậy em”. Gợn một chút, “à ha, tin cậy và tôn trọng”, rồi đâu lại vào đấy.
Vẫn là cách dạy con bài bản, kỷ luật, nghiêm khắc. Bông lớn lên là một đứa trẻ ngoan, nhiều người khen tấm tắc. Tự giải quyết các vấn đề của mình, biết tự lo và chăm sóc mình, học hành đúng giờ giấc, tự giác chịu phạt. Còn mình thì trở thành ông ngáo ộp của gia đình. Mỗi khi Bông bướng bỉnh, không kiềm chế được, gào thét ầm ỹ với mẹ. Chỉ cần ba nói cao giọng lên một chút “Bông thôi đi !” là mọi việc kết thúc, nó thậm chí quên ngay cả nỗi bực mình, mà vui vẻ chuyển sang chuyện khác. Một lần Bông ốm nặng, ba mẹ dỗ thế nào cũng không chịu uống thuốc, mình đành quát to lên một câu, Bông giật mình lẳng lặng uống hết chỗ thuốc rồi nằm xuống ngủ. Không mếu, không khóc, chỉ là lẳng lặng nghe theo.
Vẫn là “thương cho roi cho vọt” cho tới khi lần gợn thứ 2 xuất hiện. Đó là khi mình đang bực mình cái gì đó, gằn giọng gọi “Bông”. Bông chạy vào “gì hả ba?”, với một cặp mắt run rẩy, không biết điều khủng khiếp gì đang chờ đợi nó, cam chịu dù không hiểu nó có tội gì. Giật mình và không nói gì. Hóa ra mình đã trở thành một ông ngáo ộp. Bông mừng rỡ vì thoát nạn. Còn mình lắng lại một chút.
Bim chính là lần gợn tiếp theo. Nó không tuân theo quy luật đã định sẵn. Mặc dù ba nó vẫn có quyền lực tuyệt đối, mỗi khi cần lũ trẻ tuân theo một việc gì đó, chỉ cần ba nó quát lên, thì lập tức mọi chuyện sẽ êm đẹp, chúng sẽ vui vẻ tuân theo. Nhưng có một khác biệt giữa Bông và Bim. Đó là khi Bim sợ vì bị mắng, nó nhắm mắt lại và mếu. Không chút phản kháng, nhưng tủi thân, nằm thu lu úp mặt xuống giường. Mẹ nó thường bảo “nhìn cái thằng này mếu trông có yêu không”. Và cái sự mếu đó của Bim đã khiến một người cứng rắn như ba nó cũng phải động lòng, buộc ba nó phải ngẫm nghĩ. OK! chúng vẫn yêu ta, nhưng chúng nghe ta với sự sợ hãi, nhiều hơn là tin cậy. Chúng tin mẹ chúng.
Và càng ngày càng gợn. Chúng nghe ta vì chúng mặc định rằng phải nghe ta, chúng sợ ta, không phải vì chúng hiểu rằng ta làm vậy chính vì quyền lợi của chúng, không phải vì chúng tin rằng người yêu chúng luôn luôn yêu cầu chúng làm những điều có lợi cho chúng. Chúng không nghe khi mẹ quát, nhưng chúng tin vào tình yêu của mẹ.
Tự truyện của Lê Vân là cú hích cuối cùng, phá vỡ thành trì đó. Đọc Lê Vân, nhớ lại thái độ sợ hãi không dám nói của Bông, bộ mặt mếu của Bim, chợt hiểu ra nỗi đau của Lê Vân đến mức độ nào. Năm mươi năm không dám nói, năm mươi năm thèm khát mà không dám thể hiện nhu cầu tình cảm của mình với bố. Nghĩ lại về Bông và Bim, giật mình, liệu chúng có phải quên ngay mọi thứ như ba chúng nghĩ, hay sẽ không dám nói mà giữnỗi sợ hãi trong lòng tới tận 50 năm. Giật mình không phải vì lo sau này chúng sẽ viết báo về ba chúng, mà vì lo rằng, liệu chúng có phải chịu nỗi khố sở của việc 50 năm giấu nỗi ấm ức trong lòng, nếu thế thì sẽ tội nghiệp cho chúng lắm.
May be I’m wrong! Thương không phải là cho roi cho vọt? Và như thường lệ, một khi câu hỏi được đặt, thì câu trả lời sẽ đến rất nhanh. Hai ba ngày và một cuộc thảo luận nhỏ trên YM đã cho câu trả lời: “Yes, I was wrong. Raising children with love.”
RAISING CHILDREN WITH LOVE
Chúng ta đều giống nhau ở mong muốn con cái trưởng thành, thành công và hạnh phúc, chúng ta chỉ khác nhau ở phương pháp nuôi dạy chúng. Hãy trả lời các câu hỏi dưới đây và lựa chọn cuối cùng thuộc về bạn: “Thương cho roi cho vọt” hay “Raising Children With Love”?
Muốn con bạn hạnh phúc?
Con bạn có thể thành công, nhưng liệu nó có hạnh phúc nếu cả cuộc đời nó không dám chắc rằng bố mẹ nó luôn yêu nó?
Con bạn có thể thành công, nhưng liệu sự thành công đấy có mang lại hạnh phúc cho người khác, khi nó không được dậy để biết cách yêu thương?
Muốn năng khiếu con bạn phát huy ?
Liệu một đứa trẻ sống trong sự lo sợ có dám bộc lộ khát vọng của nó với bạn?
Liệu một đứa trẻ luôn lo lắng bị trừng phạt có dám hành động theo tiếng gọi của trái tim nó chứ không phải theo các mong ước của bạn?
Muốn con bạn không sai lầm?
Làm thế nào để con bạn sẵn sàng kể cho bạn những gì diễn ra ở trường, lớp và quan hệ bạn bè của nó. Làm thế nào để con bạn tin rằng mỗi lời bạn khuyên đều vì lợi ích của nó. Làm thế nào để mỗi khi có khó khăn không tự mình giải quyết được nó sẽ đến tìm bạn. Làm cách nào? Nếu không phải là chiếm được tình yêu, sự tin cậy và thông cảm của con bạn
Muốn con bạn tự tin?
Liệu một đứa trẻ luôn cúi gằm trước bạn có thể đứng tự tin trước mọi người?
Liệu một đứa trẻ không tự tin rằng nó được yêu sẽ không cảm thấy mình thất bại và bất hạnh?
Liệu một người có dám xông lên phía trước, khi không chắc được rằng luôn có một nơi cư trú cuối cùng, với lòng tin và tình yêu tuyệt đối – trong lòng cha mẹ?
Và bạn có thể sẽ hỏi tôi, nếu không nghiêm khắc thì làm sao con cái có thể lớn lên thành người. Câu trả lời thật đơn giản, đó chính là thách thức mà mỗi bậc cha mẹ phải vượt qua, để cho con cái chúng ta được dạy dỗ và lớn lên trong tình yêu.
Tanng