Trầm cảm không phải là một căn bệnh
Trầm cảm đang được xã hội coi là một căn bệnh tâm lý khá phổ biến.
Khi một người trong gia đình bị trầm cảm thì người thân thường cảm thấy lo lắng và bất an. Họ không biết làm thế nào để giúp đỡ. Thậm chí họ có thể cảm thấy bị bỏ rơi và phổ biến nhất là họ không hiểu được: “Vì sao mà người kia lại đến mức như thế?”
Người thân muốn người bị trầm cảm khỏe mạnh, hạnh phúc và sống cuộc sống “bình thường”, như là tham gia vào các hoạt động xã hội và gia đình. Khi đã coi đó là căn bệnh thì người thân muốn bệnh nhân có thể hết bệnh hoặc đỡ bệnh... Và mọi điều họ làm, thái độ họ muốn là tất cả những biểu hiện của căn bệnh đó biến mất ở người kia, như là thái độ thu mình lại, không giao tiếp, không hoạt động thể chất, hoặc nghiện một thứ gì đó (chơi game, ăn quá độ…) . Điều đó chẳng khác gì lời tuyên bố: Người kia đang không ổn và phải thay đổi. Dù là nói ra hay không, thì người trầm cảm, vốn rất rất nhạy cảm, đều cảm nhận được nếu trong lòng người thân có suy nghĩ, mong muốn như vậy. Vô hình chung lại tạo thêm một sức ép lên người kia. Vốn đã thấy bất lực, nay họ càng thấy bất lực và thất vọng về chính mình hơn.
Muốn giúp một ai đó, trước tiên phải hiểu họ. Hiểu họ đang đi đôi giày như thế nào, chứ không phải mặc định là họ đang đi đôi giày giống mình. Đôi giày của người đang trầm cảm đơn giản chỉ là rất khác với đôi giày của người đang không trầm cảm. Còn thì ai cũng đang đi giày cả. Người trầm cảm sống khác người không trầm cảm, nhưng ai cũng đang sống cả. Giày thì có giày lười, giày buộc dây. Sống thì có người khép kín, thu mình, có người vui vẻ, hoạt động. Vậy tại sao lại phải muốn người trầm cảm sống, hành xử, suy nghĩ giống người không trầm cảm?
Nếu hỏi những người đã từng bị trầm cảm, họ sẽ trả lời: "Đơn giản là tôi không làm nổi, thế thôi." Đúng vậy, đơn giản là họ không thể thay đổi được, và vì thế họ mới bị trầm cảm đấy. Chứ có ai muốn vậy đâu! Giả sử như bạn đang sống gọi là bình thường đi, giờ bảo bạn: hãy trầm cảm lên! Bạn có làm được không?
Vì thế, những lời khuyên như là: hãy suy nghĩ tích cực lên, hãy hoạt động thể chất đi… hãy… hoàn toàn vô dụng nếu người đó không thể làm được, nhiều khi còn tác dụng ngược, là người trầm cảm thấy không được hiểu và họ càng thu mình lại.
Cái quan niệm: “trầm cảm là một căn bệnh” nếu được thay bằng từ: trạng thái cảm xúc thì bạn có thấy khác không? Một cơn trầm của cảm xúc. Cảm xúc đến rồi sẽ đi, nhiều lúc chẳng cần làm gì hết ngoài việc ôm lấy chính nó.
Nhưng để ôm được, dám ôm, không chối bỏ những cơn trầm của cảm xúc, thì cái hiểu đúng về thứ không hề là căn bệnh này là điều đầu tiên cần thiết. Nếu là bệnh tật thì mình khó mà ôm được lắm. Nhưng nếu nó là một điều bình thường, đơn giản như một đôi giày khác kiểu của mình thì dễ chấp nhận hơn nhiều. Và quan trọng nhất, vì sao người thân lại có thể giúp được hơn những người khác – bởi vì giữa hai người có sẵn tình yêu và sự tin cậy của mối quan hệ ruột thịt hay thân thiết vốn đã dành cho nhau.
Vì thế hãy bắt đầu bằng tình yêu, và tiếp theo là sự hiểu biết đúng đắn, rằng trầm cảm không phải là một căn bệnh. Sau khi hiểu xong, cùng với tình yêu thương, nhận thức tự sinh ra, giải pháp tự xuất hiện. Và bạn đơn giản là làm điều gì mình thấy dễ, và phù hợp với người thân của mình.
Khai Tâm